KIỂM SOÁT ĐƯỜNG MÁU Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG DỊCH COVID - 19


Bệnh nhân đái tháo đường có thể tăng nguy cơ tử vong do mắc coronavirus (COVID-19), các bác sĩ điều trị cần cập nhật các hướng dẫn mới nhất từ các chuyên gia.

Hầu hết các khuyến cáo y khoa về COVID-19 đều đề cập đến đái tháo đường là nhóm bệnh nguy cơ cao, có thể do các dữ liệu ban đầu từ Trung Quốc, đã ghi nhận tỷ lệ tử vong cao do COVID-19 ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường.

Bài báo của BS. Zunyou Wu và TS. Jennifer M. McGoogan đăng trên tạp chí JAMA đã tổng hợp 44.672 trường hợp được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc chẩn đoán mắc COVID-19 trong tháng Hai. Tỷ lệ tử vong chung (CFR) tại thời điểm đó là 2,3% (1.023 ca tử vong trong số 44.672 ca bệnh). Số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong tăng ở những bệnh nhân có bệnh lý nền trước đó, cụ thể, bệnh tim mạch (CFR 10,5%), đái tháo đường (7,3%), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (6,3%), tăng huyết áp (6%) và ung thư (5,6%). 

Báo cáo cũng thấy xu hướng liên quan đến tuổi: nhóm bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong 14,8%, nhóm tuổi từ 70-79 có tỷ lệ 8,0%, không ghi nhận ca tử vong nào ở nhóm bệnh nhân từ 9 tuổi trở xuống. (JAMA. 24/02/2020).

Những phát hiện này cũng được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nhắc lại; từ đó Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Hiệp hội Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ đã tham khảo đưa vào khuyến cáo hướng dẫn điều trị COVID-19 cho bệnh nhân đái tháo đường.

Các hướng dẫn trước đây về điều trị bệnh truyền nhiễm ở bệnh nhân đái tháo đường có thể được áp dụng trong giai đoạn này cho bệnh nhân mắc COVID-19 do chủng mới của virus corona, SARS-CoV-2 gây ra.

Nhìn chung, bệnh nhân đái tháo đường - đặc biệt những người kiểm soát không tốt - dễ mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường hơn, ví dụ cảm cúm và viêm phổi, có thể do đường máu cao làm giảm khả năng miễn dịch do phá hủy chức năng tế bào bạch cầu.

Kiểm soát đường máu là chìa khóa

Theo các thành viên Ban Biên tập Bản tin Nội tiết học Lâm sàng, kiểm soát đường máu tốt dường như là nhân tố quan trọng trong việc kiểm soát bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào. Do vậy, kiểm soát đường máu tốt có thể giúp làm giảm cả nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Paul Jellinger thuộc Trung tâm Chăm sóc Nội tiết và  Đái tháo đường tại Hollywood cho biết, trong nhiều năm, ông không thấy bệnh nhân đái tháo đường có nồng độ HbA1c thấp hơn hoặc xung quanh 7,0% có tỷ lệ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, “câu hỏi lớn hơn với tôi, đái tháo đường được CDC coi là nguy cơ cao mắc biến chứng nghiêm trọng do coronavirus, vậy những bệnh nhân đái tháo đường nào thực sự có nguy cơ? Liệu bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát tốt có nguy cơ cao như những người có tăng đường huyết đáng kể và không được kiểm soát? Theo tôi, câu trả lời là không”.

  1. Alan Jay Cohen cùng quan điểm với TS. Jellinger. “Trong 10 ngày qua, nhiều bệnh nhân đái tháo đường đã gọi điện cho bác sỹ hỏi xem họ có cần đặc biệt lưu ý điều gì không, vì họ được biết mình thuộc nhóm nguy cơ cao. Nhiều người trong số họ đang kiểm soát bệnh rất tốt, hoặc khá tốt. Tôi chưa thấy họ có tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn dân số chung, và tôi chưa thấy số liệu cụ thể về dịch COVID-19 cho thấy một bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường máu tốt bị tăng nguy cơ".
  2. Cohen, Giám đốc Y khoa của Tập đoàn Y khoa Baptist, Phòng khám Nội tiết Memphis bổ sung: “Những khuyến cáo của tôi cho nhóm bệnh nhân này cũng giống như cho dân số chung”.

Bác sĩ Herbert I. Rettinger cũng thừa nhận bệnh nhân đái tháo đường lâu năm thường có kiểm soát đường máu kém và có các bệnh đồng mắc như bệnh thận, bệnh tim; nhưng “một lượng lớn dân số mắc đái tháo đường típ 1, và có vẻ như rất ít người trong số họ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Có lẽ, tôi đang thiếu thông tin từ những bệnh nhân không kiểm soát tốt chế độ ăn và đường máu”.

  1. Philip Levy - Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Đại học Y Banner, Phoenix, nhấn mạnh: “Bác sĩ nội tiết chăm sóc ít bệnh nhân đái tháo đường hơn các bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường típ 2 không được chúng tôi thăm khám trừ khi bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu gặp khó khăn trong quá trình điều trị, do vậy có thể bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu gặp nhiều bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Việc kiểm soát tốt đường máu rất hữu ích giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm”.

 

Đối với người bệnh bị ốm

Hướng dẫn dành cho người bệnh của Trung tâm Đái tháo đường Joslin, Boston khuyên bệnh nhân nếu cảm thấy không khỏe cần tiếp tục dùng thuốc điều trị đái tháo đường, trừ khi được bác sỹ chỉ dẫn khác, và cần theo dõi đường máu thường xuyên hơn vì đường máu có thể tăng đột biến.

Theo hướng dẫn, nếu đường máu cao hơn 14mmol/L (250mg/dL), người bệnh đái tháo đường típ 1 nên xét nghiệm ketone, uống đủ nước và nghỉ ngơi nhiều.

  1. Rettinger thuộc Tập đoàn Y khoa Nội tiết tại Quận Cam, California cho rằng: "Người bệnh nên áp dụng hướng dẫn trên, nhưng họ nên đi xét nghiệm ngay nếu thấy triệu chứng nghi ngờ”.

Theo BS. Ritesh Gupta, Bệnh viện Fortis C-DOC, New Delhi và các đồng nghiệp: bệnh nhân đái tháo đường bị nhiễm COVID-19 vẫn có thể quản lý tại nhà. (Diabetes Metab Syndr. 10/3/2020)

  1. Rettinger đồng ý kiến và cho rằng có thể quản lý bệnh tại nhà nếu “người bệnh cảm thấy ổn, không bị khó thở hoặc khó kiểm soát đường máu. Lưu ý bệnh nhân đái tháo đường típ 1 mắc COVID-19 ở viện dưỡng lão – hãy luôn thận trọng.”
  2. Gupta và đồng tác giả cũng khuyến nghị các biện pháp điều trị cơ bản như duy trì đủ nước, điều trị triệu chứng bằng acetaminophen, cách ly tại nhà 14 ngày hoặc đến khi hết triệu chứng. Tuy nhiên, các hướng dẫn của ADA cảnh báo bệnh nhân nên “lưu ý một số cảm biến đo đường máu liên tục (Dexcom G5, Medtronic Extite và Guardian) bị ảnh hưởng bởi acetaminophen (Tylenol), và bệnh nhân nên kiểm tra bằng các que thử đầu ngón tay để đảm bảo độ chính xác [nếu họ đang dùng acetaminophen]”.

Nếu có tăng đường máu kèm sốt, người bệnh đái tháo đường típ 1 nên thường xuyên kiểm tra đường máu và ceton niệu, lưu ý “có thể thay đổi và hiệu chỉnh liều insulin để duy trì đường máu bình thường”. TS. Rettinger nhấn mạnh “điều trị tăng đường huyết tốt nhất là bù dịch và insulin, và nên thường xuyên kiểm tra đường máu để đảm bảo điều trị thành công."

Về phác đồ điều trị, BS. Yehuda Handelsman khuyên người bệnh đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2 nên tiếp tục dùng thuốc: “Một số bệnh nhân, đặc biệt người đang tiêm insulin, có thể cần tăng liều thuốc. Người bệnh nên uống nhiều nước để phòng mất nước. Không giảm liều thuốc điều trị để duy trì đủ dịch. Luôn đặt mục tiêu giảm đến không còn hạ đường huyết. Cách tốt nhất là theo dõi đường máu và chỉnh liều phù hợp. Nói cách khác, không giảm liều thuốc ở những người bệnh bị ốm mà thường cần nhiều thuốc hơn.”

  1. Handelsman, Giám đốc Y khoa và nghiên cứu viên chính tại Viện Chuyển hóa Hoa Kỳ, Tarzana, California cho rằng bệnh nhân nặng phải được nhập viện và điều trị bằng insulin, nên ngừng các thuốc viên, đặc biệt là metformin và ức chế SGLT2. “Khi người bệnh hồi phục và ổn định, có thể quay lại phác đồ điều trị trước đó, và ngay cả khi bệnh nhân vẫn đang nằm viện, có thể quay lại phác đồ điều trị không dùng insulin. Đây là quy trình chuẩn với bệnh nhân nặng, đặc biệt những người đang nguy kịch. Metformin có thể làm tăng nồng độ axit lactic và thuốc ức chế SGLT2 gây giảm thể tích tuần hoàn, chuyển hóa chất béo và nhiễm toan. Chúng tôi cũng ngừng thuốc đồng vận thụ thể GLP1 vì có thể gây nôn, buồn nôn, và pioglitazone vì làm ứ dịch. Chỉ dùng insulin điều trị bệnh nhân nặng cấp tính - ví dụ nhiễm trùng huyết. Tương tự với những người khó thở, và tất nhiên với người thở máy.”

 

Biện pháp dự phòng

Từ lợi ích của việc kiểm soát tốt đường máu, người bệnh nên theo dõi đường máu thường xuyên hơn để sớm phát hiện dao động đường máu và điều chỉnh thuốc phù hợp, kịp thời theo hướng dẫn từ ADA và AACE. Người bệnh cũng nên tiếp tục tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh đủ protein và tập thể dục đều đặn.

Người bệnh cần đảm bảo có đủ thuốc và thiết bị kiểm tra đường huyết - trong ít nhất 14 ngày hoặc hơn - trong trường hợp phải đi cách ly.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa thông thường như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, giữ vệ sinh đường hô hấp, hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy hoặc phía trong khuỷu tay để giảm nguy cơ lây nhiễm.  Tránh chạm tay vào mặt, hạn chế đi lại không cần thiết và hạn chế tiếp xúc người nhiễm bệnh.

Người bệnh đái tháo đường nên thường xuyên tiêm phòng cúm và viêm phổi.

  1. Rettinger luôn khuyến cáo bệnh nhân của mình tuân thủ các biện pháp dự phòng dưới đây và dùng cuộc khủng hoảng y tế hiện tại để củng cố thêm động lực cho họ:

- Ăn nhiều trái cây và rau củ quả đa màu sắc;

- Ăn sữa chua và uống men vi sinh để làm lành mạnh hệ vi khuẩn ruột và tiêu hóa tốt.

- Kiểm soát tốt đường máu, cẩn trọng với đồ ngọt để tránh tăng hoặc hạ đường máu quá mức.

- Giảm stress và ngủ ít nhất 7-8 giờ để giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.

- Hạn chế bắt tay và tránh đến nơi đông người.

- Rửa tay thường xuyên.

 

Phương pháp điều trị khả thi

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị COVID-19, dù vắc-xin đang được nghiên cứu.

  1. Gupta và đồng nghiệp có nhắc đến trong báo cáo của mình về việc dùng các thuốc diệt virus như lopinavir, ritonavir, interferon-beta, remdesivir ức chế polymerase RNA, và chloroquine.

Tuy nhiên, theo TS. Handelsman, chưa có thuốc nào trong số này chứng minh lợi ích trong điều trị COVID-19. “Một số bác sỹ đã thử dùng Tamiflu nhưng kết quả không rõ ràng, người ta cũng thử dùng thuốc điều trị  HIV, viêm gan C, sốt rét cho bệnh nhân nguy kịch, nhưng đến nay vẫn chưa có đột phá."

 Tiến sỹ Cohen, Tiến sỹ Handelsman, Tiến sỹ Jellinger, Tiến sỹ Levy và Tiến sỹ Rettinger là thành viên của Ban cố vấn biên tập Bản tin Nội tiết học Lâm sàng. Tiến sỹ Gupta, Tiến sỹ Wu và các đồng nghiệp được báo cáo là không có xung đột về lợi ích.

Bài viết được đăng tại MDedge.com.

Tác giả: Renee Matthews

Link: https://www.medscape.com/viewarticle/927044

Bài liên quan
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Chăm Sóc Khách Hàng:
Hotline: 024.3206.9999 CSKH: 024.23.24.24.24
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN
THÔNG KÊ TRUY CẬP
Hôm nay : 0
Tháng 04 : 127
Năm 2024 : 697
Hôm qua : 10
Tổng số : 42403